y đất Long Biên lên cơn sốt?


   


4 cây cầu tỷ đô có đủ sức đẩy đất Long Biên lên cơn sốt?

Sau khi Hà Nội công bố thông tin sẽ quy hoạch 4 cây cầu mới bắc qua sông Hồng và sông Đuống, đã có nhiều lời đồn đoán về diễn biến thị trường BĐS Long Biên. Vậy, liệu 4 cây cầu tỷ đô có có đủ sức đẩy đất Long Biên lên cơn sốt?

 
 

Cuối tháng 9, ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã chính thức cho biết UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện 4 dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống và triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Cụ thể 4 cây cầu này gồm cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Đuống 2 và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Ngay sau khi thông tin này được phát đi đã trở thành tâm điểm của thị trường BĐS. Những dự đoán về việc thị trường BĐS khu vực Long Biên có khả năng trở nên sốt nóng sau khi 4 cây cầu này được xây dựng đang môi giới rỉ tai nhà đầu tư.

Nhận định về khả năng tăng giá của BĐS Long Biên khi 4 cây cầu này được xây dựng, tại cuộc họp báo quý III Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã cho biết: “4 cây cầu sẽ tạo ra 4 vùng phát triển mới, như ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên. Tất nhiên, phải tính toán hài hoà lợi ích cho nhà đầu tư, người dân và nhà nước nữa. Câu chuyện nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất".

"Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và tôi tin rằng đất tăng giá cấp số nhân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá.

Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu thị trường, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn, Định giá và Quản lý tài sản CBRE Việt Nam cho biết hiện tại chưa có thông tin chính xác về việc có hay không làn sóng đang dồn tiền đầu tư đất nền Long Biên sau khi có thông tin 4 cây cầu mới được xây dựng.

"Tuy nhiên, thị trường BĐS Long Biên hoàn toàn có khả năng trở thành một trung tâm BĐS mới. Đặc biệt khi so sánh với quận 2 tại thành phố HCM, Long Biên có vị trí khá tương đồng. Hiện tại, quận 2 đang là một trong những địa điểm có thị trường BĐS sôi động bậc nhất TPHCM, Long Biên có nhiều cơ sở để hy vọng sẽ có một thị trường BĐS tốt hơn", bà An cho biết.

Đại diện CBRE cũng nhấn mạnh thêm: "Hiện tại, hạ tầng Long Biên đã rất tốt, nếu kết nối từ Long Biên đến khu vực trung tâm Hà Nội không bị cản trở giao thông, không bị tắc đường thì giá trị BĐS quận Long Biên có thể còn tiếp tục tăng lên".

Cũng theo Bà An: "Tăng bao nhiêu trong vòng bao lâu thì chúng ta không thể biết trước được, tuy nhiên chúng ta có thể căn cứ vào diễn biến của thị trường. Ví dụ với thị trường tốt hơn có thể tăng từ 3-5% về giá, nhưng nếu chúng ta kỳ vọng tăng 10-20% trong vòng thời gian ngắn 6 tháng hay một năm thì rất khó đáp ứng. Nếu chúng ta may mắn thì không sao nhưng không may mắn thì sẽ có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, có nhiều nhà đầu tư có thể mạo hiểm bởi rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng nhiều nhưng bài toán đầu tư như vậy không phải dành cho tất cả mọi người".

 

Bình luận thêm về tác động của 4 cây cầu đến BĐS Long Biên, bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc CBRE Hà Nội, cho rằng: "Thị trường bất động sản phát triển hay không có yếu tố tác động rất lớn từ chính sách của Chính phủ. Đơn cử, trước đây khi Chính phủ có chủ trương chuyển nhiều cơ quan nhà nước, trụ sở bộ ngành, trường học... ra ngoại thành, đặc biệt là phía Tây thành phố. Khi đó bất động sản phía Tây đã "lên cơn sốt".

Bên cạnh chính sách thì theo bà Trang, độ hấp dẫn của phân khúc thị trường còn phụ thuộc vào những cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích cho cuộc sống (trường, trạm, chợ...). Do vậy, nếu phát triển hội đủ 3 yếu tố (chính sách, hạ tầng, tiện ích) đó thì bất động sản khu phía Đông thành phố rất có tiềm năng phát triển không kém phía Tây.

"Tuy nhiên, chủ trương thì có rồi, ví dụ việc xây dựng các cây cầu qua sông Hồng và sông Đuống, nhưng vấn đề là khi nào dự án thực sự hoàn thành. Cho nên, tác động của 3 yếu tố này đến thị trường bất động sản trong thực tế phải chờ thời gian trả lời", bà Trang cho hay.

Tin tức liên quan